Vướng mắc trong quản lý bệnh viện ở Hà Nội: Cùng tìm cách tháo gỡ
VHO- “Chỉ trong một thời gian ngắn, rất nhiều quy định mới được áp dụng trong công tác quản lý, cũng như các hoạt động khám bệnh chữa bệnh. Có những quy định đã khắc phục được bất cập trước đó, cũng có những quy định đã bộc lộ bất cập mới. Giám đốc Bệnh viện phải là những người đầu tiên nắm rõ, hiểu rõ và áp dụng đúng các quy định của pháp luật. Đồng thời chỉ ra những bất cập để kịp thời đề xuất tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền, điều chỉnh và ban hành những giải pháp phù hợp”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.
Các Giám đốc Bệnh viện cùng bàn thảo, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý bệnh viện
Thực tế thời gian qua, dường như những tiêu chí trên là chưa đủ khi những văn bản luật mới có hiệu lực, các Giám đốc, lãnh đạo cơ sở y tế phải là người đầu tiên am hiểu về các quy định mới. Cùng với đó là sự phát triển về trình độ, công nghệ trong khám chữa bệnh, sự cạnh tranh với hệ thống y tế ngoài công lập ngày càng phát triển; nhu cầu và yêu cầu về chất lượng khám chữa bệnh tăng lên thì trọng trách của Giám đốc bệnh viện, lãnh đạo cơ sở y tế càng tăng lên.
Trọng trách của lãnh đạo bệnh viện
Nhằm chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về công tác quản lý bệnh viện, Sở Y tế Hà Nội vừa tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực quản lý bệnh viện” với chủ đề nâng cao vai trò của Giám đốc bệnh viện trong tình hình mới với sự tham gia của lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội, một số địa phương đã tham gia hội thảo và trực tuyến tới 300 đầu cầu. Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, y tế thế giới và y tế Việt Nam có những sự thay đổi lớn lao. Để mở đường cho sự phát triển ngành y tế, Chính phủ đã trao quyền tự chủ cho các bệnh viện công. Đây cũng là một bước quan trọng trong cải cách hành chính công, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các bệnh viện. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã nảy sinh không ít khó khăn, vướng mắc, thậm chí có đơn vị phải xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện. Để giải quyết vướng mắc đó, nhiều văn bản luật và dưới luật đã được ban hành, như Luật Khám bệnh chữa bệnh, Luật Đấu thầu, các thông tư của Bộ Y tế và các quy định về thực hiện chính sách tự chủ tài chính trong phát triển bệnh viện.
“Chỉ trong một thời gian ngắn, rất nhiều quy định mới được áp dụng trong công tác quản lý, cũng như các hoạt động khám bệnh chữa bệnh. Có những quy định đã khắc phục được bất cập trước đó. Và cũng có những quy định đã bộc lộ bất cập mới. Giám đốc Bệnh viện phải là những người đầu tiên nắm rõ, hiểu rõ và áp dụng đúng các quy định của pháp luật. Đồng thời chỉ ra những bất cập để kịp thời đề xuất tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền, điều chỉnh và ban hành những giải pháp phù hợp”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh. Tại hội thảo, nhiều lãnh đạo Bệnh viện chia sẻ về kinh nghiệm quản lý thực tế, quá trình nghiên cứu từ lý thuyết đến thực tế để vận hành một cách nghiêm túc. Đại diện các lãnh đạo bệnh viện đã chia sẻ những áp lực mà người đứng đầu cơ sở y tế phải trải qua trong thời gian vừa qua. Đó là những áp lực từ cấp trên, làm sao chỉ đạo triển khai những quy định mới một cách hiệu quả nhất, đúng với các chủ trương, chính sách. Áp lực từ cấp dưới, làm sao để người đứng đầu bệnh viện, và toàn thể cán bộ, nhân viên ngành y tế nhận thức được sự đúng đắn, hiệu quả của những chính sách mới; sẵn sàng thay đổi để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Kiến nghị những vướng mắc
Ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang so sánh một cách ẩn dụ về áp lực mà các lãnh đạo bệnh viện đã và đang trải qua, đó là một giám đốc bệnh viện thường dành 80% thời gian cho chuyên môn và 20% cho công tác đấu thầu, kiểm tra…
Nhưng năm vừa qua thì ngược lại, các giám đốc phải dành 80% thời gian cho việc tiếp đoàn thanh tra, giải trình về đấu thầu thuốc, vật tư y tế, về mua sắm trang thiết bị, còn lại 20% dành cho chuyên môn. Trong đấu thầu, vướng mắc mà một số đơn vị y tế đang gặp phải như có những loại thuốc bệnh viện không thể trúng thầu do giá dẫn đến một số thuốc bệnh viện này có, nhưng bệnh viện kia không có hoặc ngược lại. Cũng bày tỏ về vướng mắc trong đấu thầu thuốc, máy móc thiết bị, GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, các bệnh viện đang quan tâm 2 việc, làm sao mua hàng hóa với giá hợp tình, hợp lý và mua được hàng hóa đạt chất lượng mình muốn, chọn hàng hóa tốt từ hồ sơ thầu mà không vi phạm. Nhưng khó nhất hiện nay là giám đốc các bệnh viện không thể biết hết các loại giá của hàng hóa đấu thầu tập trung, chủ yếu các loại giá này được trình từ các các phòng, ban cấp dưới.
Khi giá hàng hóa mua sắm đấu thầu tập trung đắt đỏ, các giám đốc bệnh viện phải giải trình. “Hiện các cơ quan quản lý, Bộ Y tế đã ban hành giá khám bệnh, thiết nghĩ, cơ quan Nhà nước cũng cần quan tâm ban hành giá trang thiết bị y tế, công bố khung giá cụ thể và mỗi năm cập nhật lại về giá. Từ đó, các bệnh viện có thể căn cứ mức giá mà mua được sản phẩm phù hợp”, ông Ánh bày tỏ. Bên cạnh đó, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng bày tỏ băn khoăn khi giá nhiều dịch vụ khám chữa bệnh giảm theo Thông tư 13/2023/TT-BYT quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám, chữa bệnh công lập cung cấp từ ngày 15.8. Bệnh viện đã giảm giá đồng loạt nhiều dịch vụ. Điều này mang tới niềm vui cho người bệnh nhưng lại gây khó khăn cho đơn vị thực hiện vì Thông tư đã không bao phủ hết được mọi góc cạnh của các dịch vụ y tế.
“Ví dụ, cùng là mổ đẻ nhưng ca đẻ trên tử cung mẹ bình thường khác với tử cung mẹ có bệnh nền, dị tật; nạo hút thai cũng vậy. Hoặc quy định giá sinh thiết phôi theo sản phụ là không hợp lý, vì sản phụ có 1 phôi khác với sản phụ có nhiều phôi. Điều chỉnh giá dịch vụ y tế, ngoài việc tính đúng tính đủ cho người bệnh, còn phải tính đến hoạt động của bệnh viện vì đây là dịch vụ theo yêu cầu của người bệnh. Nhiều dịch vụ không nằm trong Thông tư thì không được thanh toán bảo hiểm thương mại, do đó, các sản phụ sẽ không lựa chọn bệnh viện công…”, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nói. Tiếp nhận những ý kiến của các lãnh đạo bệnh viện, bà Hà cho biết: Sở Y tế đang tập hợp những khó khăn này để có văn bản kiến nghị Bộ Y tế trong quá trình thực hiện.
QUỲNH HOA